Skip to main content

Các Luật Chúng Tôi Thực Thi

Tựa Đề VII của Đạo Luật Dân Quyền năm 1964

Tựa Đề VII Đạo Luật Dân Quyền năm 1964 (Tựa Đề VII) (đường nối tiếng Anh) cấm hãng sở kỳ thị một người vì các lý do sau đây:

  • Chủng tộc;
  • Màu da;
  • Tôn giáo;
  • Phái tính (bao gồm cả tình trạng mang thai, sinh con và các tình trạng liên quan, xu hướng tình dục và nhận dạng phái tính); hoặc
  • Nguồn gốc quốc gia.

Tựa đề VII cũng cấm hãng sở có hành động tiêu cực hay trả đũa một người do họ:

  • Khiếu nại về kỳ thị, dù theo cách chánh thức hay không chánh thức;
  • Nộp đơn tố cáo kỳ thị với một cơ quan như Ủy Ban Cơ Hội Việc Làm Bình Đẳng Hoa Kỳ (U.S. Equal Employment Opportunity Commission), hoặc
  • Tham gia với tư cách nhân chứng trong cuộc điều tra hoặc vụ kiện tụng về kỳ thị trong việc làm.

Tựa đề VII cũng cấm sử dụng các chánh sách hay thực hành có vẻ trung lập nhưng thực tế lại kỳ thị mọi người do chủng tộc, màu da, tôn giáo, phái tính của họ (bao gồm cả tình trạng mang thai, sanh con và các tình trạng liên quan, xu hướng tình dục và nhận dạng phái tính), hoặc nguồn gốc quốc gia.

Theo Tựa Đề VII, kỳ thị trong bất kỳ khía cạnh nào của việc làm, kể cả những điều sau đây là trái luật:

  • Tuyển dụng và sa thải;
  • Bồi thường, phân công việc làm hoặc xếp loại người làm việc;
  • Điều chuyển, thăng chức, sa thải hoặc gọi đi làm lại;
  • Quảng cáo việc làm và tuyển dụng;
  • Thử nghiệm;
  • Sử dụng cơ sở của hãng sở;
  • Các chương trình huấn luyện và học việc;
  • Chương trình hưu trí, nghỉ phép và quyền lợi; hoặc
  • Các điều khoản và điều kiện làm việc khác.

Theo Tựa Đề VII, hãng sở cũng không được:

  • Sách nhiễu nhân viên do chủng tộc, màu da, tôn giáo, phái tính (bao gồm cả tình trạng mang thai, sanh con và các tình trạng liên quan, xu hướng tình dục và nhận dạng phái tính) hoặc nguồn gốc quốc gia;
  • Từ chối hoặc không điều chỉnh hợp lý đối với các chánh sách hoặc thực hành tại nơi làm việc cho phép mỗi người làm việc tuân theo niềm tin tôn giáo chân thành của họ;
  • Lấy quyết định việc làm dựa trên khuôn mẫu hoặc giả định về khả năng, đặc điểm hoặc hiệu quả làm việc của một người dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo, phái tính của họ (bao gồm cả tình trạng mang thai, sanh con và các tình trạng liên quan, xu hướng tình dục và nhận dạng phái tính) hoặc nguồn gốc quốc gia;
  • Từ chối cơ hội cho việc làm do một người đã kết hôn hoặc có liên quan đến một người thuộc chủng tộc, màu da, tôn giáo, phái tính cụ thể (bao gồm cả tình trạng mang thai, sanh con và các tình trạng liên quan, xu hướng tình dục và nhận dạng phái tính) hoặc nguồn gốc quốc gia.

Bộ Trưởng Tư Pháp, qua ELS, khởi kiện theo Tựa Đề VII chống lại sở làm của chánh quyền tiểu bang và địa phương sau khi EEOC chuyển đơn khiếu nại lên Bộ Tư pháp. ELS cũng có thể bắt đầu điều tra và khởi kiện sở làm của chánh quyền tiểu bang và địa phương khi có lý do để tin rằng chánh sách hay thực hành của sở làm kỳ thị đối với một nhóm người xin việc làm hoặc nhân viên dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo, phái tính của họ (bao gồm cả tình trạng mang thai, sanh con và các tình trạng liên quan, xu hướng tình dục và nhận dạng phái tính) hoặc nguồn gốc quốc gia.

Đạo Luật Công Bằng cho Người Làm Việc Mang Thai

Đạo Luật Công Bằng Cho Người Làm Việc Mang Thai (Pregnant Workers Fairness Act, hay (PWFA) là luật liên bang áp dụng cho các hãng sở, bao gồm cả các sở làm của chánh quyền tiểu bang và địa phương, có từ 15 nhân viên trở lên.  Luật này đòi hỏi hãng sở được bảo hiểm phải có “thích nghi hợp lý” cho những người xin việc làm hội đủ điều kiện và người làm việc có những hạn chế đã biết do tình trạng mang thai, sanh con hoặc các bệnh trạng liên quan. “Thích nghi hợp lý” có thể là những thay đổi về cách làm việc hoặc cách hoạt động bình thường của nơi làm việc. Một số ví dụ về thích nghi hợp lý có thể bao gồm: cho nhân viên cải huấn mang chai nước hoặc thức ăn trong ca làm việc của họ, cho giáo viên trường công lập thời gian giải lao lâu hơn hoặc uyển chuyển hơn để đi vệ sinh, cho kỹ thuật viên y tế cấp cứu làm việc nhẹ nhàng hoặc giúp đỡ họ khi nâng nhấc, tạm thời chuyển nhân viên tuần tra sang một vị trí ít phải làm việc thể chất hoặc an toàn hơn, thay đổi đồng phục hoặc quy định về trang phục, cho mặc quần áo cho người có bầu và thay đổi thiết bị hoặc nơi làm việc, như cho nhân viên kiểm lâm của công viên tiểu bang một chiếc ghế đẩu để ngồi.

PWFA đòi hỏi hãng sở thích nghi hợp lý trừ khi điều này khó khăn quá mức cho hãng sở. “Khó khăn quá mức” nghĩa là thay đổi sẽ quá khó khăn hoặc tốn kém, tùy thuộc vào thực tế và hãng sở. Người nộp đơn hoặc nhân viên và hãng sở phải tham gia vào tiến trình tương tác trước khi hãng sở quyết định cách đáp ứng yêu cầu của người làm việc.

PWFA bảo vệ những người làm việc yêu cầu thích nghi hợp lý, bị từ chối thích nghi hợp lý theo cách sai trái, và những người làm việc nộp đơn khiếu nại theo PWFA hoặc phản đối hợp lý các hành động bất hợp pháp theo PWFA. Luật này cũng bảo vệ mọi người khỏi bị ép buộc, hăm dọa, đe dọa hoặc can thiệp vào các quyền hạn của họ theo PWFA hoặc giúp người khác thực hiện các quyền hạn của họ theo PWFA.

Theo PWFA, hãng sở không được:

  • Đòi hỏi người làm việc đủ trình độ chấp nhận thích nghi mà không có sự tương tác về thích nghi giữa người làm việc và hãng sở;
  • Từ chối việc làm hoặc cơ hội việc làm khác đối với nhân viên hoặc người nộp đơn đủ tiêu chuẩn vì người này cần được thích nghi hợp lý;
  • Đỏi hỏi nhân viên có trình độ nghỉ phép, dù được trả lương hay không, nếu có thích nghi hợp lý khác thì người này vẫn có thể tiếp tục làm việc;
  • Đối xử tệ hơn với người làm việc có trình độ, còn gọi là “hành động bất lợi”, vì người làm việc yêu cầu hoặc sử dụng điều thích nghi hợp lý hoặc phản đối kỳ thị trái luật theo PWFA; hoặc
  • Can thiệp vào quyền hạn của bất kỳ người nào theo PWFA.

Đạo Luật Quyền Được Tuyển Dụng và Tái Tuyển Dụng Quân Nhân 1994 (USERRA)

Đạo Luật Quyền Được Tuyển Dụng và Tái Tuyển Dụng Quân Nhân năm 1994 (Uniformed Services Employment and Reemployment Rights Act) (USERRA) (đường nối bằng tiếng Anh) bảo đảm quân nhân có thể trở lại làm việc dân sự sau khi hoàn tất phục vụ quân đội. USERRA đòi hỏi hãng sở cho quân nhân quyền lợi thâm niên, chức vụ và mức lương mà họ được hưởng nếu vẫn làm việc liên tục cho hãng sở dân sự trong khi phục vụ cho quân đội.

Hãng sở cũng có các nghĩa vụ khác theo USERRA. Thí dụ:

  • Hãng sở phải cố gắng hợp lý để giúp nhân viên trở lại làm việc được cập nhật hoặc nâng cao kỹ năng để họ có thể đủ điều kiện được tuyển dụng lại;
  • Quân nhân trở lại làm việc được khôi phục ngay bảo hiểm sức khỏe cho bản thân và những người thuộc quyền được bảo hiểm trước đó mà không cần thời gian chờ và không loại trừ các bệnh trạng đã bị từ trước, ngoài những tình trạng liên quan đến phục vụ quân đội; và
  • Hãng sở phải tuyển dụng lại những quân nhân bị tàn tật trong thời gian phục vụ quân đội vào vị trí gần nhất với vị trí cũ của họ nếu họ không thể đảm nhiệm được nhiệm vụ cũ nữa.

USERRA cũng nghiêm cấm:

  • Kỳ thị trong việc tuyển dụng, thăng chức và lưu dụng do tình trạng quân nhân trước kia, hiện nay hay trong tương lai;
  • Kỳ thị trong tuyển dụng, tái tuyển dụng, thăng chức, lưu dụng hay quyền lợi do tình trạng quân nhân;
  • Trả đũa do có người khẳng định quyền hạn của họ hoặc hỗ trợ (bao gồm làm chứng, đưa ra tuyên bố, v.v…) trong cuộc điều tra hoặc vụ kiện của USERRA, ngay cả khi người hỗ trợ này không liên quan đến phục vụ quân đội.

USERRA bao gồm cả phục vụ quân đội tự nguyện và không tự nguyện, trong thời bình và thời chiến, đồng thời áp dụng cho hầu như tất cả các hãng sở dân sự, bao gồm cả sở làm của chánh phủ liên bang, chính quyền tiểu bang và địa phương cũng như các hãng sở tư nhân, bất kể có bao nhiêu người làm việc cho hãng sở này.

Theo USERRA, Bộ Tư Pháp có thể khởi kiện sau khi Bộ Lao Động Hoa Kỳ quyết định các quyền hạn của quân nhân theo USERRA đã bị vi phạm và chuyển khiếu nại đến chúng tôi. Bộ Tư Pháp có thể khởi kiện theo USERRA chống lại hãng sở tư nhân cũng như sở làm của chánh quyền tiểu bang và địa phương.

Sắc Lệnh Hành Pháp 11246

Lệnh Hành Pháp 11246 (đường nối tiếng Anh) áp dụng cho các nhà thầu của chính phủ liên bang, nhà thầu xây dựng và nhà thầu phụ được chánh phủ liên bang hỗ trợ, thực hiện công việc cho chánh phủ liên bang với giá trị trên $10,000 trong một năm. Sắc Lệnh này cấm các hãng kỳ thị dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo, phái tính (bao gồm tình trạng mang thai, sanh con và các tình trạng liên quan, xu hướng tình dục và nhận dạng phái tính) hoặc nguồn gốc quốc gia.

Sắc Lệnh cũng đòi hỏi các nhà thầu của chánh phủ liên bang hành động để bảo đảm cơ hội bình đẳng trong mọi khía cạnh việc làm, bao gồm các chương trình huấn luyện, nỗ lực tiếp ngoại và các bước hành động tích cực khác. Các nhà thầu phải tuyển dụng và nâng đỡ những người thiểu số và phụ nữ có chuyên môn cho những công việc họ chưa được sử dụng đúng mức so với số người trong các nhóm này có trong lực lượng lao động. Các nhà thầu cần quy định những điều này trong chánh sách nhân sự bằng văn bản. Các nhà thầu của chánh phủ liên bang có chương trình hành động tích cực bằng văn bản phải thực hiện, lưu giữ chúng trong hồ sơ và cập nhật hàng năm. Ngoài ra, trong một số hoàn cảnh, Lệnh Hành Pháp 11246 cấm các nhà thầu và nhà thầu phụ liên bang có hành động tiêu cực đối với người nộp đơn và nhân viên vì họ đã hỏi, bàn thảo hoặc san sẻ thông tin về tiền lương của họ hoặc với đồng nghiệp.

Các nhà thầu của chánh phủ liên bang cũng phải thực hiện mọi hành động cần thiết để bảo đảm không ai ở nơi làm việc tìm cách đe dọa hoặc kỳ thị đối với người nộp đơn khiếu nại hoặc tham gia vụ kiện theo Lệnh Hành Pháp này.

Lệnh Hành Pháp 11246 được Văn Phòng Chương Trình Tuân Hành Hợp Đồng Liên Bang của Bộ Lao Động quản lý. Sau khi OFCCP gửi vấn đề đến văn phòng của chúng tôi, Bộ Tư pháp có thể khởi kiện lên tòa án liên bang.

Đã cập nhật Tháng Một 26, 2024