Skip to main content

Các Đối Tác Liên Bang của Chúng Tôi

Ủy Ban Cơ Hội Việc Làm Bình Đẳng (Equal Employment Opportunity Commission, hay EEOC)

Ủy Ban Cơ Hội Việc Làm Bình Đẳng Hoa Kỳ là cơ quan liên bang thực thi luật chống kỳ thị tại nơi làm việc dựa trên nhiều đạo luật. Quy trình EEOC bắt đầu khi có người, thường là người xin việc hoặc nhân viên, nộp đơn khiếu nại về kỳ thị, gọi là “cáo buộc EEOC” và cho biết hãng sở kỳ thị trái phép dựa trên:

  • Chủng tộc;
  • Màu da;
  • Tôn giáo;
  • Phái tính (bao gồm cả tình trạng mang thai, sanh con và các tình trạng liên quan, xu hướng tình dục và nhận dạng giới);
  • Nguồn gốc quốc gia;
  • Độ tuổi (40 tuổi trở lên);
  • Tình trạng khuyết tật; hoặc
  • Thông tin về di truyền.

EEOC cũng điều tra khi có người khiếu nại hãng sở trả đũa vì họ nêu quan tâm về kỳ thị, nộp đơn tố cáo hoặc tham gia vào một cuộc điều tra hoặc vụ kiện về kỳ thị trong việc làm.

Phải nộp khiếu nại về kỳ thị và trả đũa cho EEOC trong một số thời hạn nghiêm ngặt. Khi EEOC quyết định có bằng chứng cho thấy sở làm của chánh quyền tiểu bang hoặc địa phương đã kỳ thị nhân viên hoặc người nộp đơn và cố gắng dàn xếp khiếu nại của EEOC không đạt kết quả thì EEOC sẽ gửi cáo buộc tới ELS. Rồi ELS có thể quyết định khởi kiện hãng sở.

Khi ELS khởi kiện theo Tựa Đề VII hoặc Đạo Luật Công Bằng cho Người Làm Việc Mang Thai, các luật sư của ELS không đại diện cho cá nhân hay những người đã nộp đơn cáo buộc EEOC. Thay vào đó, người nộp đơn tố cáo EEOC có thể thuê luật sư do họ tự chọn, và tự trả tiền, nếu họ muốn. Nếu ELS quyết định không khởi kiện về cáo buộc, chúng tôi sẽ gửi thư cho người đã nộp đơn tố cáo, báo cho họ biết họ có quyền khởi kiện riêng trong vòng 90 ngày. Vào mạng lưới EEOC để tìm hiểu thêm về EEOC.

Bộ Lao Động Hoa Kỳ, Dịch Vụ Huấn Luyện và Việc Làm cho Cựu Quân Nhân (Veterans’ Employment and Training Service, hay VETS)

VETS nhận đơn khiếu nại từ các quân nhân dựa trên Đạo Luật về Quyền Được Tuyển Dụng và Tái Tuyển Dụng của Quân Nhân (Uniformed Services Employment and Reemployment Rights Act) năm 1994 hay USERRA. USERRA cấm kỳ thị trong việc làm dựa trên tình trạng quân nhân hoặc liên quan đến quân nhân. Theo USERRA, quân nhân cũng có quyền được tái tuyển dụng vào công việc dân sự sau khi hết thời gian phục vụ quân đội.

Khi có quân nhân nộp đơn khiếu nại lên VETS thì VETS sẽ điều tra. Nếu VETS tin rằng hãng sở đã vi phạm pháp luật thì sẽ cố gắng dàn xếp khiếu nại. Nếu không dàn xếp được, VETS sẽ chuyển khiếu nại tới ELS. Rồi ELS có thể quyết định khởi kiện hãng sở và trong một số hoàn cảnh, ELS có thể đề nghị đại diện cho quân nhân. Vào mạng lưới VETS (đường nối bằng tiếng Anh) để tìm hiểu thêm về VETS hoặc gửi khiếu nại USERRA.

Bộ Lao Động Hoa Kỳ, Văn Phòng Chương Trình Tuân Hành Hợp Đồng Liên Bang (Office of Federal Contract Compliance Programs, hay OFCCP)

OFCCP thực thi Lệnh Hành Pháp 11246, cấm các nhà thầu và nhà thầu phụ của chánh phủ liên bang kỳ thị trong việc làm dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo, phái tính (bao gồm tình trạng mang thai, sanh con và các điều kiện liên quan, xu hướng tình dục, nhận dạng phái tính), hoặc nguồn gốc quốc gia. OFCCP có thể gửi nội vụ đến ELS rồi ELS có thể khởi kiện. Vào mạng lưới OFCCP (đường link bằng tiếng Anh) để tìm hiểu thêm về OFFCP.

Phòng Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ

Hợp tác với một nhóm các cơ quan chánh phủ liên bang, ELS hợp tác chặt chẽ với Phòng Thống Kê Dân Số để lập ra Hồ Sơ Bảng Đặc Biệt về Cơ hội Việc Làm Bình Đẳng hay Hồ Sơ EEO. Hồ Sơ EEO cho  các cơ quan liên bang so sánh dữ liệu nhân khẩu của lực lượng lao động của hãng sở với thị trường lao động liên quan ở một khu vực địa lý và danh mục công việc cụ thể. Dữ liệu từ Hồ Sơ EEO cho ELS và các cơ quan chánh phủ liên bang khác theo dõi xem hãng sở có tuân hành luật pháp và thực thi các quy định và luật dân quyền liên quan đến việc làm hay không. Quý vị có thể xem Hồ Sơ EEO tại đây: Equal Employment Opportunity Tabulatio (Bảng Cơ Hội Việc Làm Bình Đẳng) (đường nối bằng tiếng Anh). Vào mạng lưới Phòng Thống Kê Dân Số  (đường nối bằng tiếng Anh) để biết thêm thông tin.

Đã cập nhật Tháng Một 26, 2024